• 425 Kinh Dương Vương, P.An Lạc
    Q.Bình Tân, Tp.HCM
  • 028 3750 9999
    bvtrieuan@trieuanhospital.vn

Categories

Dịch vụ nổi bật

Bạn Biết Gì Về Bệnh Đái Tháo Đường?

Xin giới thiệu loạt bài liên quan đến bệnh Đái Tháo Đường

BÀI 1:

BẠN BIẾT GÌ VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG? AI CÓ NGUY CƠ?

Bs Trần thị Bích Thủy

CK II Nội Tiết

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?

Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa phức tạp do nhiều nguyên nhân, có yếu tố di truyền, không lây lan, được đặc trưng bởi sự tăng đường trong máu mãn tính. Tình trạng tăng đường máu mãn tính sẽ gây ra tổn thương ở các cơ quan như mắt, thận, thần kinh, tim, mạch máu.

CÓ MẤY LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

+ Đái tháo đường típ 1: thừơng xẩy ra ở người trẻ, do tụy không sản xuất  Insulin do đó điều trị bằng Insulin là bắt buộc

+ Đái tháo đường típ 2: thường gặp nhất, trước đây thường ở người trên 40, nhưng hiện nay có thể gặp ở tuổi thanh thiếu niên, do insulin hoạt động không hiệu qủa và có thể kèm theo giảm tiết Insulin tùy theo giai đoạn bệnh. Điều trị chủ yếu bằng thuốc viên hạ đường huyết, tuy nhiên tùy theo tình trạng bệnh có những lúc cần điều trị với Insulin

+ Đái tháo đường thai kỳ: phát hiện đường huyết tăng vào quý 2 – 3 trong thời kỳ mang thai

+ Đái tháo đường dạng đặc biệt khác

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

+ Bạn có các triệu chứng gây ra do đường trong máu tăng cao, như: khát nước, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, mờ mắt, mệt mỏi, yếu sức…. các triệu chứng này thường gặp ở người bệnh Đái tháo đường típ 1.

+ Hoặc bạn không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ, hoặc xét nghiệm vì bệnh khác như Cao huyết áp, chuẩn bị mổ mắt, vết thương lâu lành, ngứa, đau khớp, tê chân, bất lực ở nam giới…

Tốt hơn hết nên thử đường huyết định kỳ ở người trên 45 và những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường

KHI NÀO XÁC ĐỊNH BỊ BỆNH ĐTĐ?

Nếu 2 lần làm xét nghiệm Đường huyết cao. Đường huyết cao khi:

Đường huyết bất kỳ ≥ 11mmol/l (200mg/dl)

Đường huyết lúc đói (sáng, sau ăn 8 giờ qua đêm) ≥ 7mmol/l (126mg/dl)

Đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl) (còn gọi là nghiệm pháp dung nạp đường)

THẾ NÀO LÀ “TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”?

Bạn “được” chẩn đoán Tiền ĐTĐ khi Đường huyết lúc đói của bạn trên mức bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán ĐTĐ, có thể dạng Rối loạn đường huyết đói hay Rối loạn dung nạp đường (chẩn đoán bắng test dung nạp glucose). Điều này có nghĩa là Bạn có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ và bệnh tim mạch, tuy nhiên nếu bạn giử được cân nặng lý tưởng và tập luyện thể dục bạn có thể làm chậm hay ngăn ngừa bệnh ĐTĐ xuất hiện. Nên kiểm tra Đường huyết ít nhất mỗi năm 1 lần.

AI CÓ NGUY CƠ? KHI NÀO CẦN LÀM XÉT NGHIỆM ĐƯỜNG HUYẾT?

1. Xét nghiệm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ

2. Nguy cơ cao ĐTĐ type 2 khi:

- Thừa cân, béo phì

- Có lối sống tĩnh tại, ít vận động, không tập thể dục

- Có yếu tố di truyền như cha mẹ, anh chị em ruột, con… bị ĐTĐ

- Tăng huyết áp

- Tăng mỡ máu

- Tiền sử sản khoa như sinh con to, sẩy thai nhiều lần…

- Đã được chẩn đóan ĐTĐ thai kỳ, rối lọan dung nạp đường…

- Trên 45 tuổi

Nếu xét nghiệm bình thường nên thử lại sau 1- 3năm

BỆNH ĐTĐ CẦN ĐƯỢC PHÁT HIỆN SỚM VÌ:

- Bệnh đang gia tăng

- Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể gây tàn phế.

- Điều trị tốn kém và khó hồi phục một khi đã có các biến chứng

 BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG = “SÁT THỦ THẦM LẶNG”!!

o-o-0-o-o

BÀI 2

CẢNH BÁO VỀ VÙNG ĐƯỜNG HUYẾT NGUY HIỂM CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bs Trần thị Bích Thủy
CK II Nội Tiết

Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) gây ra những hậu quả nặng nề cho người bệnh khi Đường huyết luôn nằm trong vùng nguy hiểm.

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐƯỜNG HUYẾT

Đường huyết (ĐH) dao động trong ngày, và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

• Thức ăn, kích xúc tâm lý (stress), bệnh phối hợp: đẩy ĐH lên
• Insulin, thuốc uống, luyện tập thể lực: giúp ĐH hạ

Mỗi người bệnh ĐTĐ đáp ứng khác nhau với các yếu tố nêu trên

VÙNG ĐƯỜNG HUYẾT NGUY HIỂM CỦA BỆNH ĐTĐ LÀ GÌ?

Là khi đường huyết quá thấp hay quá cao.

• Đường huyết hạ quá mức, xuống thấp dưới 60mg/dL dễ đưa đến hôn mê thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời
• Đường huyết tăng cao trên 180mg/dL gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não...
• Đường huyết quá cao gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu ...
• Đường huyết dao động nhiều – lúc quá cao, lúc quá thấp – cũng đưa đến các biến chứng, chất lượng sống kém.

Như vậy: Đường huyết ổn định, nằm ngoài vùng nguy hiểm, gần mức bình thường giúp người bệnh sống khoẻ mạnh, ngăn ngừa biến chứng

VÙNG ĐƯỜNG HUYẾT AN TOÀN PHẢI LÀ BAO NHIÊU?

Theo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA), mức đường huyết an toàn đối với đa số người bệnh ĐTĐ là:
ĐH đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L – 7,2mmol/L)
ĐH sau ăn 1- 2 giờ: dưới 180mg/dL (10mmol/L)
ĐH trước khi ngủ: 110mg/dL – 150mg/dL (6,0mmol/L – 8,3mmol/L)
Tuy nhiên mức ĐH an toàn, thích hợp còn tuỳ thuộc vào tuổi tác, độ nặng các biến chứng và bệnh lý đi kèm.

LÀM GÌ KHI CÓ ĐƯỜNG HUYẾT BẤT THƯỜNG?

- Đường huyết được xem là bất thường khi:

+ Lúc đói ĐH < 70 mg/dL ( 3,9mmol/L)
+ Sau ăn 2 giờ ĐH > 200mg/dL (11,1mmol/L)

- Khi có ĐH bất thường:

+ ĐH thấp: nên ăn thêm bánh, kẹo, nước đường, sữa.
+ ĐH tăng: nên xem lại chế độ ăn, thức ăn, có quên uống thuốc không.

Sau đó nên đi khám bệnh để được tư vấn và điều chỉnh thuốc

LÀM SAO ĐỂ TRÁNH ĐƯỢC VÙNG ĐƯỜNG HUYẾT NGUY HIỂM?

Cầøn phải tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt (vùng ĐH an toàn). Biết làm gì khi ĐH dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH ĐTĐ

Ngay từ lúc được chẩn đóan bệnh ĐTĐ, người bệnh cần phải biết tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày:

- Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh,hợp lý
- Luyện tập thể dục hằng ngày, chọn cách an toàn và hiệu quả nhất, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày có vẻ phù hợp với đa số bệnh nhân ĐTĐ
- Dùng thuốc điều trị ĐTĐ (uống, tiêm) đúng cách, đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
- Tự theo dõi đường huyết
- Kiểm tra, chăm sóc chân hàng ngày
- Chải răng, lợi răng (nướu) hằng ngày
- Ngưng hút thuốc lá

 Mỗi ngày bạn hảy cố gắng giải quyết thách thức của bệnh ĐTĐ: làm thế nào để giử Đường huyết ở mức gần bình thường. Kiểm soát tốt Đường huyết, đưa Đường huyết ra ngoài vùng nguy hiểm giúp bạn sống khoẻ mạnh và giảm biến chứng của bệnh ĐTĐ.

 o-o-0-o-o

 BÀI 3

LỢI ÍCH CỦA VIỆC TỰ THEO DÕI VÀ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT
Bs TRẦN THỊ BÍCH THỦY
CK II Nội Tiết

Mỗi ngày bạn hảy cố gắng giải quyết thách thức của bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ): Làm thế nào để giử Đường huyết (ĐH) ở mức gần bình thường vì có nhiều yếu tố đẩy ĐH lên cũng như có nhiều thứ kéo ĐH xuống.

TẠI SAO CẦN KIỂM SOÁT ĐH Ở NGƯỜI BỆNH ĐTĐ?
- ĐH dao động trong ngày và bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân:
• Thức ăn, kích xúc tâm lý (Stress), bệnh phối hợp: làm tăng ĐH
• Điều trị (Insulin thuốc viên hạ ĐH), luyện tập thể lực: giúp ĐH hạ
Mục tiêu chính trong điều trị ĐTĐ là ổn định ĐH. Mỗi người bệnh ĐTĐ đáp ứng khác nhau với các yếu tố nêu trên, do đó không có 1 công thức chung để áp dụng cho tất cả BN ĐTĐ. Vì vậy người bệnh ĐTĐ cần phải biết tự theo dõi và kiểm soát ĐH
- ĐH ổn định, gần mức bình thường giúp BN sống khoẻ mạnh, ngừa biến chứng. ĐH hạ quá mức đưa đến hôn mê do hạ ĐH, ngược lại ĐH cao gây ra các biến chứng cấp, mãn. Ngoài ra ĐH dao động nhiều – lúc quá cao, lúc quá thấp – cũng đưa đến các biến chứng, chất lượng sống kém.
Phòng ngừa biến chứng là quan trọng vì không thể trở về tình trạng bình thường như trước khi có biến chứng. Kiểm soát tốt ĐH làm giảm biến chứng của bệnh ĐTĐ.

TỰ THEO DÕI ĐH LÀ GÌ?
ĐH có thể được đo tại các phòng Xét nghiệm( lấy máu tĩnh mạch) hay bằng máy đo ĐH tại nhà (máu mao mạch). Người bệnh ĐTĐ có thể tự theo dõi ĐH tại nhà bằng máy đo ĐH cá nhân, kết quả có ngay. Các con số ĐH này được lưu giử trong máy từng thời điểm hoặc được người bệnh ghi lại sẽ giúp đánh giá và kiểm soát tốt ĐH.

ĐH CẦN THỬ BAO NHIÊU LẦN TRONG NGÀY?
Số lần cần thử trong ngày còn tuỳ vào: Cách thức điều trị, thể bệnh ĐTĐ, mục tiêu ĐH cần đạt, tình trạng BN
• Đ ối với ĐTĐ típ 1: nếu ĐH dao động nhiều và đang điều chỉnh liều Insulin; nên thử 3-4 lần /ngày
• Đối với ĐTĐ típ 2: ĐH ổn định không cần thử thường xuyên, nếu ĐH chưa ổn định nên thử ĐH ít nhất 2 lần mỗi ngày
• Trường hợp khác tăng lần thử: trong giai đoạn “Stress”; đang có thêm bệnh khác; nghi ngờ hạ ĐH, hoạt động thể lực nhiều, ĐH đang ở giai đoạn quá cao hay quá thấp; thay đổi điều trị, chế độ ăn, cách thức vận động
• Thời điểm không nên cách quá xa như vài tuần hoặc vài tháng thử ĐH một lần

CẦN THỬ ĐH KHI NÀO?
• Sáng đói, trước các bửa ăn
• Sau ăn 2 giờ: việc ổn định ĐH 2 giờ sau ăn cũng quan trọng như ĐH lúc đói. Các nghiên cứu cho thấy kiểm soát tốt ĐH sau ăn 2 giờ cũng làm giảm các biến chứng.

MỨC ĐH NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT?
HbA1c < 7%
ĐH đói: 80-120mg/dL (4,4mmol/L – 6,6mmol/L)
ĐH sau ăn 2 giờ: 140 – 180mg/dL (7,8mmol/L - 10mmol/L)
Mức ĐH có thể chấp nhận cao hơn theo tuổi tác (già) và bệnh lý đi kèm(bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não…)

LÀM GÌ KHI CÓ ĐH BẤT THƯỚNG?
- Mức ĐH được xem là bất thường khi:
+ Lúc đói ĐH < 70 mg/dL ( 3,9mmol/L)
+ Sau ăn 2 giờ ĐH > 200mg/dL (11,1mmol/L)
- Khi có mức ĐH bất thường:
+ ĐH thấp: nên ăn thêm bánh, kẹo, nước đường, sữa.
+ ĐH tăng: nên xem lại chế độ ăn, thức ăn, có quên uống thuốc không.
Sau đó nên đi khám bệnh để được tư vấn và điều chỉnh thuốc

LỢI ÍCH CỦA VIỆC TỰ THEO DÕI ĐH: KIỂM SOÁT TỐT ĐH
Tự theo dõõi ĐH bằng máy cá nhân tại nhà có lợi cho mọi thể bệnh ĐTĐ.
Tự theo dõi ĐH giúp người bệnh ĐTĐ: cải thiện HbA1c (trị số ĐH trung bình trong 3 tháng trước thử); tránh hạ ĐH, theo dõi mục tiêu ĐH; thay đổi thuốc điều trị kịp thời; điều chỉnh và chọn lựa chế độ ăn, chế độ luyện tập thể lực. Hơn nữa, khi ĐH đang ổn định nhưng thay đổi tăng hoặc giảm cũng cảnh báo cho người bệnh ĐTĐ biết liệu có bệnh hay tình huống mới nào ảnh hưởng đến ĐH.
Việc tự theo dõi và kiểm soát ĐH là 1 phần trong chương trình giáo dục tự chăm sóc cho BN ĐTĐ.

KẾT LUẬN
ĐTĐ ngày càng gia tăng, nhiều biến chứng gây tàn phế, điều tri tốn kém. Do đó phòng ngừa biến chứng là quan trọng. Kiểm soát tốt ĐH làm giảm biến chứng của bệnh ĐTĐ
Tự theo dõi ĐH giúp kiềm soát tốt ĐH và cải thiện chất lượng sống cho BN ĐTĐ
Vì mục tiêu ĐH của từng người bệnh khác nhau nên cũng có những kế hoạch theo dõi ĐH khác nhau.
Bạn cần biết cách xử lý các kết quả ĐH để tránh biến chứng nguy hiểm nhất là khi hạ ĐH.

BÀI 4

TẬP VẬN ĐỘNG CHO NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bs Trần thị Bích Thủy
CK II Nội Tiết

Đái tháo đường là tình trạng đường trong máu tăng cao hơn bình thường, mặc dù cơ thể sử dụng đường để tạo năng lượng, nhưng đường có quá nhiều trong máu sẽ làm hại cơ thể bạn. Khi bạn biết cách chăm sóc bệnh đái tháo đường của mình, bạn sẽ cảm thấy khoẻ khoắn hơn. Bạn sẽ giảm nguy cơ biến chứng cho tim, phổi, thận, mắt, thần kinh, chân, khớp, răng…Bạn cũng sẽ giảm được nguy cơ Nhồi máu cơ tim hay Tai biến mạch máu não. Bạn có thể chăm sóc bệnh Đái tháo đường bằng cách:

- Hoạt động thể lực
- Theo kế hoạch ăn kiêng tốt
- Dùng thuốc theo toa Bác sĩ

 TẠI SAO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG NÊN TẬP VẬN ĐỘNG?

Tập vận động cần thiết cho sức khỏe mọi người và đặc biệt nếu bạn bị đái tháo đường vì tập vận động có những tác dụng quan trọng để kiểm soát đường trong máu và còn làm giảm những yếu tố nguy cơ khác.

TẬP VẬN ĐỘNG CÓ LỢI ÍCH GÌ?

Tập vận động giúp :
- Hạ thấp đường trong máu và cải thiện khả năng sử dụng đường của cơ thể.
- Tăng tác dụng của insulin Khi tập vận động đều đặn, lượng Insulin cần thiết để tiêm có thể giảm.
- Giảm nguy cơ bệnh tim mạch nhờ làm giảm LDL cholesterol, một loại cholesterol xấu, tạo ra mảng xơ vữa làm tắc nghẽn mạch máu. Đồng thời tập vận động làm tăng HDL cholesterol, một loại cholesterol tốt, bảo vệ tim mạch.
- Cải thiện được huyết áp khi huyết áp cao ở mức nhẹ và trung bình.
- Thích nghi của cơ thể: làm tăng hiệu quả của tim, phổi, hệ thống tuần hoàn cả khi nghỉ cũng như khi làm việc. Cải thiện khả năng vận chuyển oxy làm tăng độ dai bền và sức chịu đựng của cơ thể.
- Duy trì và tăng cường sự linh hoạt của khớp giúp bạn dẻo dai và giử thăng bằng tốt
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể: giúp đốt bỏ năng lượng dư thừa (vốn dự trữ ở tế bào mỡ) như vậy giúp giảm cân hoặc duy trì trọng lượng cơ thể.
- Gíup chế ngự căng thẳng (stress) trong sinh hoạt hằng ngày. Qua tập vận động bạn có nhiều năng lượng hơn, thư giãn hơn và bạn cảm thấy ít mệt hơn.
Ngoài ra vận động thể lực còn góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa Đái tháo đường típ 2. Theo Chương trình phòng ngừa Đái tháo đường (Diabetes Prevention Program) của Mỹ, việc chế độ ăn kiêng tốt và tập luyên thể lực vừa phải để giảm 5-7% cân nặng có thể làm chậm xuất hiện và phòng ngừa đái tháo đường típ 2

KHI TẬP VẬN ĐỘNG, ĐƯỜNG TRONG MÁU CỦA BẠN NÊN NHƯ THẾ NÀO ?

Đường trong máu của bạn không nên quá thấp (dưới 70 mg/dl) khi đang tập cũng như sau khi tập. Mức đường huyết cụ thể của riêng bạn do bác sĩ của bạn quyết định.

TẠI SAO ĐÔI KHI ĐƯỜNG HUYẾT TĂNG LÊN SAU KHI TẬP VẬN ĐỘNG ?

Khi tập vận động, cơ bắp của bạn cần nhiều đường để cung cấp năng lượng hơn. Để đáp ứng, gan của bạn tăng phóng thích đường vào trong máu. Tuy nhiên cần nhớ là cần có insulin thì cơ thể mới sử dụng được đường này. Vì vậy nếu cơ thể bạn không có đủ Insulin để “mở cửa” cho đường vào cơ bắp, mức đường trong máu của bạn tất nhiên sẽ tăng dù sau khi tập vận động.

TẠI SAO ĐƯỜNG HUYẾT BỊ THẤP SAU KHI TẬP VẬN ĐỘNG ?

Gọi là đường huyết thấp khi mức đường trong máu dưới 70 mg/dl. Thường là do tập vận động qúa mức. Tập vận động từ mức trung bình đến mức nặng có thể làm đường huyết tụt thấp trong vòng 24 giờ sau khi tập.

TỰ THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT GIÚP TẬP LUYỆN TỐT HƠN

Tự đo đường huyết giúp việc luyện tập tốt hơn vì:
+ Đo đường huyết trước khi tập, sau khi tập và tại các thời điểm cố định sau đó cho biết mức độ luyện tập có phù hợp không
+ Kết quả đường huyết giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn và thuốc khi tập
+ Cho biết mức đường huyết để bạn có thể tập luyện thoải mái và an toàn.

NHỮNG LỜI KHUYÊN THỰC TẾ ĐỂ TẬP VẬN ĐỘNG AN TOÀN:

1) Hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu một chương trình tập vận động.
2) Chọn loại hình tập vận động mà bạn thích. Nếu trên 35 tuổi, bạn cần chọn lựa loại tập vận động thích hợp với cơ thể bạn.
3) Kiểm tra đường huyết trước và sau tập vận động.
4) Không tập vận động nếu đường huyết trên 250 mg/dl và có ketone trong nước tiểu.
5) Không tập vận động nếu đường huyết trên 300 mg/dl và không có ketone trong nước tiểu.
6) Lên kế hoạch tập vận động để tránh hạ đường huyết

TẠI SAO KHÔNG TẬP VẬN ĐỘNG KHI CÓ KETONE TRONG NƯỚC TIỂU ?

Sự xuất hiện ketone trong nước tiểu là do có ketone trong máu cao (tình trạng nhiễm ketone) và là một cấp cứu nội khoa. Tập vận động ngay thời điểm này tạo ra nhiều thể ketone hơn. Đối với đái tháo đường típ 1, sự hiện diện ketone cho thấy thiếu insulin nặng, nguy hiểm và cần ngay lập tức insulin hoặc nhập viện.

HƯỚNG DẪN ĐỂ TRÁNH HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

1) Trước khi tập, kiểm tra đường huyết. Nếu đường trong máu thấp ăn thêm chất bột đường.
2) Không tập vận động ở thời điểm đỉnh cao tác dụng của mũi tiêm Insulin.
3) Không tập vận động chiều tối, nên kết thúc 2 giờ trước khi ngủ. Có thể tập 1 – 1 giờ 30 sau ăn.
4) Tránh không uống rượu trước hoặc ngay sau khi tập vận động
5) Tránh tắm nước nóng, tắm hơi sau khi tập vận động vì có thể làm tăng nhịp tim và hạ đường huyết
6) Chỉ nên tập vận động 1-2 lần mỗi ngày. Tập nhiều hơn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết
7) Nếu ăn thêm chất bột đường nếu đường huyết dưới 100 mg/dl ngay sau khi tập vận động

LẬP CHƯƠNG TRÌNH TẬP VẬN ĐỘNG

1) Chọn loại hình tập vận động:

+ Bạn có thể chọn hầu hết các môn thể thao thông thường như chạy bộ, đi bộ, đánh cầu lông, đạp xe, bơi lội… Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để chọn loại phù hợp với:

- Bệnh lý tim mạch
- Biến chứng đái tháo đường
- Mức độ đường huyết
- Tuổi tác
- Sống một mình

+ Có những môn thể thao mà bạn không nên tập luyện vì sẽ nguy hiểm cho bạn nếu có những cơn hạ đường huyết làm mất khả năng kiểm soát như môn lặn, đua xe và nhảy dù.
+ Đi bộ là hình thức vận động gần như phù hợp cho hầu hết người bệnh đái tháo đường
+ Lưu ý khi chọn loại hình vận động thể lực:

- Nếu bạn có biến chứng đái tháo đường, một vài loại vận động có thể làm biến chứng nặng hơn.
- Các hoạt động làm tăng áp lực trong mạch máu mắt như nâng tạ có thể làm biến chứng mắt nặng hơn
- Nếu bạn có biến chứng thần kinh làm tê chân, bạn nên thử bơi lội thay vì đi bộ hay tập thể dục nhịp điệu, và nhớ chọn giày, vớ thích hợp.

2) Mức độ, thời gian, số lần tập:
Tập thường xuyên hằng ngày, ít nhất 15 phút một lần, 3-4 lần /tuần (đối với loại tập nhẹ trung bình)
- Nhẹ: Đi bộ mua hàng mỗi lần 30 phút
- Trung bình: đi bộ nhanh, đi xe đạp mỗi lần 30 phút
- Nặng : chạy, leo thang, lên dốc mỗi lần 30 phút
- Rất nặng : đá banh, bơi lội mỗi lần 5 phút

CÁC ĐIỂM CẦN NHỚ:

+ Không được đột ngột bắt đầu tập quá lâu, tăng dần thời gian tập và số lần tập .
+ Cường độ vận động cần phải vừa phải và tăng từ từ.
+ Tránh những hoạt động gắng sức quá mức hay nín thở lâu (có thể gây tăng huyết áp)
+ Ngưng tập khi cảm thấy mệt hoặc có triệu chứng hạ đường huyết
+ Ngưng tập ngay khi xuất hiện đau chân hay đau ngực
+ Tránh tập vận động trong điều kiện khắc nghiệt (quá nóng hoặc qúa lạnh).
+ Sử dụng giày, vớ thích hợp và các dụng cụ bảo vệ khi cần thiết.
+ Kiểm tra chân hằng ngày và sau mổi buổi tập.
+ Tránh tập vận động trong tình trạng bệnh đái tháo đường không được kiểm soát kỹ.
+ Thường xuyên kiểm tra đường huyết.
+ Không nên leo núi và đi bơi một mình
+ Hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc khi thường có cơn hạ đường huyết.
+ Nhớ mang theo nước uống.
+ Luôn mang theo người thức ăn có đường hấp thu nhanh (kẹo, đường miếng, mứt, bánh ngọt) để sử dụng ngay khi có dấu hiệu hạ đường huyết.

Vận động thể lực cũng là một trong những biện pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Tập vận động góp phần làm giảm đường huyết và giảm một số nguy cơ khác. Việc chọn loại hình vận động còn tùy thuộc vào tuổi tác, biến chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh lý kèm theo và mức độ đường huyết. Thông thường đi bộ 30 phút mỗi ngày, 3 đến 4 ngày trong tuần phù hợp với hầu hết người bệnh đái tháo đường. Hảy nhớ “Các điểm cần nhớ” để giúp bạn tập luyện có hiệu quả hơn.

BÀI 5

STRESS VÀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bs Trần thị Bích Thủy
CK II Nội Tiết

Mọi người ai cũng từng trãi qua stress và với 1 mức độ nào đó thì bình thường, thậm chí còn tốt cho cuộc sống. Khi xử lý đúng cách, stress có thể làm cuộc sống của bạn thêm phần thú vị và hưng phấn.

Stress không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần mà còn gây ra các thay đổi thể chất của bạn. Những biến đổi trên có thể chỉ có ảnh hưởng nhỏ đối với người có sức khoẻ tốt bình thường, nhưng lại rất nguy hiểm cho người Đái tháo đường (ĐTĐ).

ĐIỀU GÌ GÂY RA STRESS ?

- Những thay đổi trong đời sống hằng ngày
- Công việc căng thẳng
- Giận dữ, buồn bã
- Lo âu, chịu đựng ...
- Bi quan, thất vọng

TẠI SAO STRESS LẠI NGUY HIỂM ?

Khi bị stress, cơ thể bạn đáp ứng bằng cách phóng thích các hormone làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và kế tiếp làm tăng đường huyết, nhằm cung cấp nhanh chóng 1 nguồn năng lượng thích nghi với stress. Sự gia tăng ĐH này có thể làm xáo trộn sự cân bằng mà bạn đã đạt được nhờ thuốc, chế độ ăn kiêng và luyện tập thể lực. Để lấy lại sự cân bằng này bạn hoặc phải giảm stress, hoặc phải điều chỉnh lại cách điều trị. Bạn nên nhớ rằng điều trị ĐTĐ tốt thì mức ĐH phải về gần bình thường và huyết áp phải ổn định.

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CẦN CẢNH GIÁC KHI STRESS

Tăng ĐH khi stress thường đi kèm với các triệu chứng báo động của cơ thể như khát nước nhiều hơn, tiểu nhiều hơn, mờ mắt, cảm thấy yếu đi, đau bụng, buồn nôn, ói mữa.
Nhức đầu, mệt, đau ngực nếu kèm huyết áp tăng
Nếu các triệu chứng này kéo dài, bạn cần đến Bs ngay.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC THEO DÕI ĐH

Vì đáp ứng với stress thay đổi theo từng người nên bạn không có 1 quy luật chung để theo. Khi bị stress nên thử ĐH thường xuyên hơn và nhiều lần trong ngày. Cũng nên đo huyết áp thường hơn trong trường hợp bạn đã có cao huyết áp từ trước

XÉT NGHIỆM NƯỚC TIỂU ĐỂ TÌM THỂ CETONE

Ngoài việc thử ĐH nhiều lần hơn, bạn nên thử nước tiểu khi stress để tìm cetone. Bình thường cetone không có trong nước tiểu, khi ĐH tăng cao (thường ĐH trên 250 mg/dL) hay khi đường trong nước tiểu nhiều hơn 4+ rất dễ có cetone. Cetone báo cho biết bạn có thể sắp bị hôn mê nhiễm cetone acid – một biến chứng cấp nguy hiểm trong bệnh ĐTĐ, nếu bạn không được điều trị kịp thời.
Nếu nước tiểu bạn có ceton bạn cần nhập viện hoặc hỏi ý kiến Bs để tăng liều Insulin nếu bạn đang tiêm insulin.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XỬ LÝ STRESS ? 

Tốt nhất là phòng ngừa stress
1- Phòng ngừa stress
Bạn có thể nhận biết bao nhiêu stress do chính bạn gây ra chỉ vì tự đặt những áp lực căng thẳng không cần thiết ? Mỗi lúc bạn giận dữ hay thất vọng, bạn mất năng lượng và lạc hướng đối với những công việc quan trọng hơn.
Hãy cố gắng kiên nhẫn hơn 1 chút thôi, lần tới bạn có thể tránh được stress
2- Hãy đặt mục tiêu
Đời sống hằng ngày cuốn bạn trôi theo các cơn “khủng hoảng” và như vậy tạo cho bạn các stress. Bạn lập dần những mục tiêu nhỏ hằng ngày và điều chỉnh chúng theo những thay đổi trong đời sống của bạn, như vậy bạn có thể kiểm soát cuộc sống của bạn tốt hơn.

3- Thiết lập các ưu tiên

Bạn có thường cảm thấy vội vã vì “không có thời gian” không ? Hãy lên kế hoạch, lập danh sách các công việc theo thứ tự ưu tiên. Tập trung vào những việc thực sự quan trọng đối với bạn và hãy bỏ lại những việc chỉ hao hơi tổn sức.
4- Thư thả
Bạn hãy dành một ít thời gian trong tuần để giải trí, nghĩ ngơi hay tập thể lực. Tập thể dục đều đặn là phương cách tuyệt vời để giảm stress. Thân thể khoẻ mạnh cho bạn cảm giác yêu đời sống quanh bạn hơn.
5- Tin vào các biện pháp đang giúp bạn điều trị
6- Suy nghĩ tích cực
Đứng trước một công việc, thay vì nói “tôi không thể”, bạn hãy nói “tôi có thể…” Rồi bạn sẽ thấy bạn làm được rất nhiều việc.

7- Khôi hài

Nụ cười làm giảm căng thẳng và giảm stress.
8- Hoà nhập
Sự chịu đựng làm tăng stress. Bạn hãy chia sẻ với bạn bè, gia đình những cảm xúc của bạn. Điều này không những sẽ làm bạn giảm được stress mà còn có thể giúp bạn tìm ra hướng giải quyết.
9- Hãy quyết định
Đừng chờ đợi stress tự qua đi mà bạn hãy có cách giải quyết
10- Tìm sự hổ trợ
Tìm sự giúp đõ, đồng cảm từ những người có cùng mối quan tâm như nhóm bạn Đái tháo đường…, bạn sẽ không còn cô độc.

Stress làm hại cơ thể bạn, bạn cần biết cách để tránh và xử lý nó, đồng thời giảm stress cũng giúp bạn kiểm soát được ĐH, bảo vệ sức khoẻ của bạn.